Tại sự kiện Ngày hội Đổi mới sáng tạo châu Á – Thái Bình Dương – Hội nghị Tài năng Kỹ thuật số 2021 vừa diễn ra trực tuyến mới đây, Quỹ ASEAN và tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc đã ký kết Biên bản ghi nhớ về nỗ lực chung để rút ngắn khoảng cách năng lực kỹ thuật số.
Đây là hội nghị trực tuyến quan trọng của khu vực, thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu và cả các chính trị gia. Mục đích chính của sự kiện là cùng nhau chia sẻ các giải pháp nhằm thực thi, triển khai một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất việc xây dựng một hệ sinh thái bền vững giúp nuôi dưỡng các tài năng kỹ thuật số ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Theo Phó tổng thư ký ASEAN của Cộng đồng An ninh Chính trị Robert Matheus Michael Tene nhận định, nhu cầu về các tài năng ICT trẻ ở khu vực ASEAN là rất lớn, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch toàn cầu khiến chúng ta phụ thuộc nhiều hơn nền tảng kỹ thuật số. Bên cạnh đó, Hội nghị Tài năng Kỹ thuật số cũng rất phù hợp với mục tiêu của Chiến lược tổng thể Kỹ thuật số ASEAN 2025, trong việc nâng cao năng lực người dân khi tham gia kinh tế xã hội kỹ thuật số.
“Sáng kiến này cũng phù hợp với cam kết của ASEAN và Chính phủ Việt Nam trong việc tích hợp tri thức kỹ thuật số của Kế hoạch Hành động ASEAN về Giáo dục năm 2021-2025, nhằm dẫn dắt quốc gia trong việc thực hiện bước nhảy vọt kỹ thuật số”, ông Wei Zhenhua, Giám đốc Điều hành Huawei Việt Nam cũng cho biết.
Và theo tuyên bố của ông Jeffery Liu, Chủ tịch Huawei khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, tập đoàn công nghệ Huawei sẽ đầu tư 50 triệu USD trong 5 năm tới để hỗ trợ phát triển 500.000 nhân tài kỹ thuật số ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Các cam kết sau đó đã được củng cố bằng lễ ký kết Biên bản ghi nhớ giữa Quỹ ASEAN và Học viện Huawei ASEAN Academy. Theo đó, cả hai bên sẽ sẵn sàng triển khai chương trình Hạt giống cho Tương lai ASEAN – một phiên bản mở rộng của chương trình “Hạt giống cho tương lai”. Đây là chương trình đào tạo kỹ năng kỹ thuật số cho thế hệ trẻ trên toàn cầu, kể từ năm 2008, của Huawei..
Thông qua chương trình, cả hai bên sẽ cùng nỗ lực xây dựng năng lực kỹ thuật số của thế hệ trẻ ở cả 10 quốc gia thành viên ASEAN, để họ có thể phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên kinh tế kỹ thuật số sắp tới.
Cụ thể hơn nữa, chương trình sẽ cung cấp nhiều khóa đào tạo, hội thảo, hội nghị, tập trung vào viễn thông, CNTT-TT, thực tế ảo, phân tích dữ liệu, chia sẻ các dữ liệu tốt nhất trên toàn cầu, bám theo xu thế của ngành. Bên cạnh đó cũng sẽ có các chương trình trao đổi hai chiều, chia sẻ kinh nghiệm của chuyên gia trong ngành như từ các cơ quan chính phủ, chuyên gia từ các doanh nghiệp, từ các nhà mạng của viễn thông…
Cùng với đó, các học viên sẽ được đào tạo chuyên môn với sự hợp tác với các viện nghiên cứu, viện học thuật. Mục tiêu là đào tạo những người đang làm việc trong các doanh nghiệp, các cán bộ kỹ thuật, cán bộ của các trường Đại học, hoặc đại diện doanh nghiệp.
Phần thứ 3 là phát triển xã hội với mục tiêu đào tạo các học viên đến từ các đối tác trong ngành, học viên của các cơ sở giáo dục, đào tạo nghề hay học viên từ cộng đồng. Các chương trình đào tạo sẽ dựa trên tình huống thực tế, và cấp chứng chỉ cho học viên sau khi họ đã tốt nghiệp.
Và cũng theo ông Chen Mingjie, Phó Chủ tịch Huawei Châu Á Thái Bình Dương, thì đây cũng là cơ hội cho các nhà mạng viễn thông ở Việt Nam để có thể chuyển đổi trở thành nhà cung cấp dịch vụ CNTT.
“Với những sự phát triển của công nghệ ICT mới, các nhà mạng viễn thông truyền thống sẽ ngày càng tập trung nhiều hơn, phát triển trở thành nhà mạng toàn cầu, cung cấp dịch vụ mới. Đây là xu thế lớn, từ nhà mạng viễn thông trở thành nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây hoặc ICT trong tương lai. Và việc này đòi hỏi một lượng tài năng CNTT rất lớn. Các nhân viên của bạn cần phải được đào tạo và đào tạo lại một cách thường xuyên để họ có thể cập nhật với sự phát triển công nghệ”, ông cho biết. “Dựa trên kinh nghiệm, chúng tôi sẽ kết hợp với các nhà mạng trong nước để đưa ra các chương trình đào tạo phù hợp để chuyển đổi những kỹ năng của nhân viên”.
Theo Pháp luật & Bạn đọc