Doanh nghiệp ODM camera AI đầu tiên của Việt Nam sắp giới thiệu sản phẩm vào ngày mai

Sản phẩm đầu tay của công ty này là dòng camera an ninh với nhiều tính năng thông minh hấp dẫn.

Mới được thành lập từ giữa tháng 7 năm 2021, lại lựa chọn một thị trường ngách rất nhỏ hẹp nhưng ODM sản xuất camera AI của Việt Nam – Pavana đã nhanh chóng phát triển được thương hiệu độc quyền của riêng mình. Ngày mai sẽ là thời điểm doanh nghiệp này ra mắt sản phẩm đầu tiên.

Thay vì khởi nghiệp từ các lĩnh vực công nghệ thường thấy, Pavana theo đuổi việc nghiên cứu phát triển và sản xuất camera thông minh cho ô tô, xe bus và giám sát các nhà máy. Lĩnh vực này không chỉ mới mẻ đối với Việt Nam mà còn cả thế giới nữa.

Thông thường, nhắc đến camera AI mọi người sẽ nghĩ ngay đến các ứng dụng về nhận diện gương mặt, chấm công trong văn phòng cũng như camera an ninh cho gia đình, thế nhưng sân chơi mà Pavana lựa chọn lại hoàn toàn khác biệt với các ứng dụng trên – dành cho ô tô.

Tuy là một ngách thị trường nhỏ nhưng nó có tiềm năng tăng trưởng rất lớn khi nhiều dự báo cho thấy số lượng ô tô thông minh sẽ ngày càng tăng trong tương lai. Khi đó với khả năng giải quyết các bài toán cụ thể ngoài đời thực, Pavana hoàn toàn có khả năng chiếm lĩnh sân chơi này và trở thành một thương hiệu mang tầm quốc tế.

Không chỉ định hướng kinh doanh, một yếu tố khác khiến các nhà đầu tư nhanh chóng “xuống tiền” cho công ty này là lòng tin vào trình độ và khả năng của nhà sáng lập nên Pavana.

CEO Nguyễn Trung Kiên vốn là Tiến sĩ Điện tử Viễn thông tại Đại học Hannover Leibniz của Đức, sau này trở thành giám đốc sản phẩm, người quản lý toàn bộ quy trình phát triển sản phẩm công nghệ cho VNPT Technology. Ngoài ra ông Kiên còn là một trong những người đầu tiên gia nhập VinSmart, chịu trách nhiệm thiết kế dây chuyền sản xuất và quản lý vận hành nhà máy sản xuất thiết bị điện tử thuộc Hệ thống thông minh cho VinSmart.

Một lĩnh vực kinh doanh khác của Pavana là cung cấp dịch vụ outsourcing camera cho các hãng ODM (các nhà sản xuất thiết kế gốc). Theo CEO Nguyễn Trung Kiên, hoạt động kinh doanh outsourcing của Pavana không chỉ ở phần mềm, mà còn mở rộng sang cả phần điện tử và cơ khí kiểu dáng.

Được xem như mảng kinh doanh “lấy ngắn nuôi dài”, các dự án outsourcing camera cho những hãng khác giúp Pavana tích lũy kinh nghiệm cũng như tiếp cận được các khách hàng lớn, đối tác lớn và cả dòng tiền để tái đầu tư cho hoạt động R&D.

Một trong các sản phẩm outsourcing đầu tiên của Pavana sẽ được giới thiệu vào ngày mai là dòng camera an ninh của hãng Cú Vọ (Cuvo) – thương hiệu Việt hoạt động trong lĩnh vực camera an ninh dành cho gia đình.

Là sự kết hợp giữa camera an ninh và đèn chiếu sáng, camera an ninh mới của Cú Vọ còn có khả năng chiếu sáng với độ sáng có thể điều chỉnh. Bên cạnh đó, camera an ninh này còn được trang bị nhiều tính năng thông minh hấp dẫn.

Với radar có độ chính xác cao, camera an ninh của Cú Vọ có khả năng phát hiện chuyển động, phân biệt được người và vật, biết được hướng và tốc độ chuyển động cũng như có thể hoạt động mà không ảnh hưởng bởi bụi bẩn. Ngay khi phát hiện ra các sự cố, camera có thể phát ra các cảnh báo tức thời như còi hú hoặc kết hợp đèn chiếu sáng nháy liên tục.

Ngoài ra là một sản phẩm kết hợp giữa các công ty Việt Nam, camera an ninh cũng có nhiều tính năng “thuần Việt” khác bao gồm phản ứng bằng các câu thoại Tiếng Việt thu sẵn, lời chào, lời chúc nhân dịp lễ Tết, giao tiếp với khách hoặc người giao hàng, cũng như tương tác qua điện thoại hoặc các thiết bị thông minh như Nest Hub và Echo Show.

Theo kế hoạch mỗi năm sẽ cho ra đời 3-5 sản phẩm hướng tới phát triển hệ sinh thái an ninh thông minh toàn diện cho hộ gia đình, doanh nghiệp và Chính phủ. Các dòng sản phẩm này sẽ nhắm đến thị trường Việt Nam, Châu Âu và Mỹ.  

Nguyễn Hải

Pháp luật & Bạn đọc

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *